Tuesday, March 15, 2016

Mách bạn cách hấp thu trọn vẹn canxi từ thực phẩm tự nhiên

Canxi là một trong những dưỡng chất rất cần thiết cho sự phát triển chiều cao, nhưng làm thế nào để cơ thể hấp thụ canxi tốt thì không phải ai cũng biết. Hãy cùng tham khảo những bí quyết giúp cơ thể hấp thụ tốt canxi dưới đây. >> Ăn mặn, thừa đạm, thiếu canxi - lý do khiến bạn mãi thấp lùn>> Vitamin D - dưỡng chất quan trọng cho sự phát triển chiều cao>> Những siêu thực phẩm giúp bạn có được chiều cao vượt trội

Canxi là thành phần quan trọng nhất của xương bởi 99% lượng canxi của cơ thể nằm trong xương và răng. Là thành phần quan trọng đảm nhiệm việc cấu thành xương, giúp xương chắc khỏe, dẻo dai, chống loãng xương ở người lớn, chống còi xương, xương ngắn, xương biến dạng ở trẻ nhỏ. Canxi không chỉ quan trọng với xương, răng mà còn là một phần không thể thiếu đối với hệ thần kinh, cơ bắp và hệ thống miễn dịch.

Với những người có nhu cầu bổ sung canxi để tăng chiều cao, cải thiện ngoại hình thì việc bổ sung nguồn thực phẩm giàu canxi vào chế độ dinh dưỡng hằng ngày là điều vô cùng cần thiết.

Những thực phẩm giàu canxi

Thức ăn giàu Canxi bao gồm sữa và các sản phẩm từ sữa, các loại nhuyễn thể như tôm, cua, trai, ốc, cá và xương các loại có thể ăn được, rau có màu xanh thẫm, sản phẩm từ đậu như đậu hũ.

Ở các nước phương Tây, nguồn thực phẩm cung cấp canxi chủ yếu là các sản phẩm chế biến từ sữa, một số nước đã sản xuất nhiều sản phẩm có tăng cường canxi như bánh mỳ, bánh bích quy, nước cam, các sản phẩm ăn liền làm từ ngũ cốc. Còn ở hầu hết các nước Đông Nam Á, nguồn cung cấp canxi quan trọng là các sản phẩm từ đậu, ngũ cốc, rau xanh và cá.

Những bí kíp giúp hấp thu canxi hiệu quả nhất

Để canxi hấp thụ tốt thì rất cần có thêm vitamin D. Vitamin D có nhiều trong bơ, sữa, trứng, gan... Đối với những người bị bệnh loãng xương thì rất cần thiết bổ sung canxi và vitamin D trong bữa ăn hoặc thường xuyên tắm nắng, tăng cường các hoạt động ngoài trời. Tuy nhiên cũng nên lưu ý là các bữa ăn nhiều đạm có thể sẽ làm gia tăng lượng bài tiết canxi. Cứ đưa vào 1g protein thì cần đến 10mg canxi.

Nếu uống các loại đồ uống có chứa caffeine và nicotin cũng là một tác nhân làm tăng lượng thải canxi qua đường nước tiểu. Trẻ em dùng nhiều đồ uống đóng chai (lon) mà trong các loại đồ uống này thường có hàm lượng phospho khá cao làm cản trở hấp thụ canxi. Môi trường ô nhiễm và con người có tiền sử sử dụng chất kích thích hoăc thuốc men cũng làm cản trở hấp thụ canxi.

Canxi trong thức ăn không hoàn toàn được hấp thụ trong ruột, có khoảng 70 - 80% không được hấp thụ mà lưu lại trong phân, đặc biệt khi ăn thức ăn chứa nhiều xenlulô; chủ yếu là do ion canxi kết hợp với các ion dương trong thực phẩm như axit phytic, axit oxalic và axit béo... tạo thành muối canxi không hòa tan. Tiêu hóa chất béo không thỏa đáng có thể làm giảm sự hấp thụ canxi, nguyên nhân là do canxi kết hợp với axit béo không hấp thụ bị bài tiết ra ngoài theo phân. Không nên ăn quá nhiều chất béo, chất đạm, ăn mặn (dưa, cà muối, mắm...). Tăng cường tiếp xúc với ánh nắng mặt trời để có đủ vitamin D giúp hấp thu canxi tốt hơn.

Ngoài ra, cần lưu ý rằng có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sự hấp thu canxi như chế độ ăn; một số bệnh lý ở đường tiêu hóa, bệnh thận, bệnh nội tiết. Chế độ ăn quá nhiều chất đạm, nhiều natri làm tăng bài tiết canxi. Những thực phẩm có chứa nhiều axit fitic như các loại hạt ngũ cốc, axit oxalic có trong một số loại rau như rau dền (lá to), đồ muối chua... ngăn cản quá trình đồng hóa canxi khiến canxi từ đường tiêu hóa không được hấp thu vào máu.

Canxi trong thực phẩm có nguồn gốc động vật dễ hấp thu hơn canxi có nguồn gốc từ thực vật. Những thực phẩm có nhiều canxi và dễ hấp thu nhất là sữa và các sản phẩm từ sữa như sữa chua, phô mai, kem,... Trong các trường hợp không thể cung cấp đủ nhu cầu canxi cho cơ thể qua thực phẩm, có thể phải bổ sung bằng thuốc canxi uống theo chỉ dẫn của bác sĩ.

PY