Bệnh viện đa khoa Vân Đình vinh dự được Bác Hồ về thăm ngày 20/4/1963. Bác đã đặt tên cho là "Nhà thương Vân Đình". Cái tên đó, vinh dự và trách nhiệm đó dắt dẫn mọi cán bộ, bác sĩ, y sĩ, y tá , hộ lý của nhà thương dọc theo năm tháng cuộc đời.
Bệnh viện nằm ở một thị trấn nghèo của một vùng quê chiêm trũng. Vùng quê nghèo thì dân cũng không giàu, bác sĩ, y sĩ, y tá, hộ lý cũng lấy gì làm giàu? Nhưng con bệnh đến thì không chừa người nghèo. Càng nghèo thì con bệnh càng được thể hành hạ.
"Năm 2008, ở đây có dịch tiêu chảy cấp lớn. Ở một xã như xã Đồng Tiến có đến 90 người bị tụt huyết áp. Vùng dịch lớn, khoa truyền nhiễm chỉ có 2 bác sĩ trực nhưng có đến 80 bệnh nhân/ngày. Người đến viện nêm chật giường trong, giường ngoài. Bệnh nhân không có tiền ăn. Bác sĩ rút tiền túi đưa họ lấy tiền ăn phở, còn mình thì gặm bánh mì. Khoa Đông y, 2 người phải khám đến 90 người/buổi sáng. Bác sĩ trực 24/24 giờ không được nghỉ bù. Tiền trực chỉ 25 nghìn/ngày đêm, nhiều nhặn gì cho cam mà ham hố? Nhưng muốn nghỉ cũng không được. Các loại dịch cúm, lao, tiêu chảy, AIDS... thường xuyên hoành hành người bệnh vào điều trị ở đây. Mổ cấp cứu từ tối đến sáng. Bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế chỉ chiếm khoảng 60 70%, nhưng nhiều lúc quên cả thẻ bảo hiểm. Bệnh nhân đóng viện phí vào nhà thương đây hầu như không đủ tiền.
Có bệnh nhân như bà Dương Thị Chắt ở thị trấn Vân Đình, sau khi nằm ở bệnh viện tuyến trên trả về nhà thương, bệnh hiểm nghèo phải thở máy tại đây đến 80 ngày nữa. Ông Phong ở xã Hồng Quang, bị bệnh phổi mãn tính cũng nằm đến 40 ngày để các nhân viên y tế tận tụy phục vụ. Nói đến điều trị bằng giải phẫu thì nhiều lắm: mổ chửa ngoài dạ con, viêm ruột thừa cấp, mổ đẻ... 2 bàn mổ trong một đêm mổ đến 11 ca, mổ từ 9 giờ đêm đến 6 giờ sáng mới xong, bác sĩ làm một mạch không ăn uống gì. Tập trung tư tưởng quá quên cả đói. Vả lại đây không như nơi đô hội. Nửa đêm làm gì có quán ăn nào mở? Với những bệnh nhân như tai nạn lao động, tai nạn giao thông, bệnh nhân vô thừa nhận, bệnh nhân tâm thần, bệnh nhân có thai... thì phải lo hoàn chỉnh xong mới gọi chính quyền đến lo các thủ tục. Bệnh nhân đến, ở đây nhân viên y tế phải ra tận nơi khiêng đón, thực hiện tốt quy chế giao tiếp của Bộ Y tế đã ban hành...".
Người kể cho tôi nghe những câu chuyện trên là bác sĩ Chương, đang nói về đồng đội của mình.
Còn anh?
Tôi cũng như mọi anh chị em ở đây thôi... anh khiêm tốn.
Tôi gặng hỏi, anh mới tiết lộ là đã từng học tại Học viện Quân y, ra trường về công tác ở Cục Quân y. Nhưng rồi, tình yêu quê hương Ứng Hòa, yêu quê nghèo Trầm Lộng của mình lớn quá, lại hoàn cảnh gia đình khó khăn, anh xin chuyển về làm nhân viên Nhà thương Vân Đình từ năm 1990. Anh nhân viên Chương kể những công việc chữa bệnh cứu người của mình:
Dạo ấy, có một nữ kỹ sư nông nghiệp huyện tên là Trần Thị Hiền được đưa cấp cứu nằm tại đây. Chồng của bệnh nhân lại là phó chủ tịch huyện khiến cả tập thể bệnh viện càng quan tâm hơn. Hội đồng khoa học của bệnh viện chẩn đoán chị là kỹ sư nông nghiệp nên nhiều khả năng bị nhiễm độc thuốc trừ sâu. Nhưng tôi không tán thành ý kiến đó. “Trong khoa học, nên tin vào những luận chứng đúng, không thể lấy ý kiến số đông để áp đặt”.
Ý kiến của anh nhân viên Chương không được chấp nhận. Đồng chí phó chủ tịch huyện vào thăm vợ, anh ấy nói: "Chỉ nên coi vợ tôi là một bệnh nhân bình thường như mọi bệnh nhân khác cho khách quan". Anh ấy nói vậy và đã choáng đến ngất xỉu khi nhìn vợ mình. Bác sĩ Chương cấp cứu cho đồng chí phó chủ tịch hồi tỉnh lại. Bấy giờ, được sự tin cậy của phó chủ tịch nên Hội đồng khoa học bệnh viện giao cho bác sĩ Chương trực tiếp điều trị ca bệnh này. Cuối cùng thì bệnh nhân Trần Thị Hiền đã khỏi. Té ra, không phải chị bị nhiễm thuốc sâu, mà bị thiểu dưỡng dạ dày...
Giám đốc Nguyễn Văn Chương
Một buổi tối chủ nhật, tôi không ngờ được là tại căn nhà cấp bốn xập xệ, thiếu thốn, tuềnh toàng của vợ chồng tôi, đồng chí phó chủ tịch huyện đã mang hoa đến thăm nhà tặng chúng tôi. Anh ấy nói "Đây không phải tám giờ vàng ngọc trong bệnh viện mà là một giờ kim cương ngoài giờ". Câu nói đó làm tôi xúc động và nhớ mãi. Chưa bao giờ một anh nhân viên quèn như tôi lại vinh dự được một đồng chí lãnh đạo huyện đến tận nhà thăm. Tôi càng thấy mình không thể không tiếp tục đóng góp.
Anh nhân viên ấy sau này là Trưởng khoa Nội.
Làm trưởng khoa, bác sĩ Chương đã gặp một trường hợp khác:
Có một bệnh nhân đưa vào cấp cứu trong tình trạng bị sốc nặng, người tím ngắt. Đã hết giờ làm việc chiều, chuẩn bị để trưởng khoa cũng được nghỉ, dành ca đó cho một chị nhân viên trực. Gia đình bệnh nhân thì một mực xin được đưa bệnh nhân về nhà để chết, vì thầy bói đã phán là không qua khỏi được. Trưởng khoa Chương nghe thấy thế, sau khi xem xét tình trạng người bệnh đã giải thích cho người nhà để bệnh viện được chữa chạy. Anh Chương quay sang chị nhân viên nói dứt khoát:
Hôm nay tôi trực thay chị rồi quay sang người nhà bệnh nhân Hôm nay tôi làm thầy bói. Tôi đảm bảo đêm nay bệnh nhân không chết.
Thái độ sắt đá đó của người thầy thuốc đã gieo niềm tin cho mọi người. Trưởng khoa Nội đã cấp cứu cho bệnh nhân đó đến sáng hôm sau thì tỉnh lại. Bệnh nhân bị bệnh phổi mãn tính. Ông cụ trên 70 tuổi ở xã Phương Tú ấy sau đó đã ra viện.
Rất nhiều những bệnh nhân ở huyện đây, ở các huyện bên như Mỹ Đức, Phú Xuyên, Kim Bôi thuộc tỉnh Hòa Bình về đây điều trị đã được chính bác sĩ Chương chữa khỏi bệnh. Như đã nói ở trên, bệnh nhân nghèo ở một vùng quê nghèo, gặp những bác sĩ nghèo thì hoàn toàn có thể chia sẻ, đồng cảm. Những lời thăm hỏi, cảm ơn của bệnh nhân đã là những món quà tinh thần quý báu đối với những thầy thuốc ở Nhà thương Vân Đình được Bác Hồ về thăm rồi.
Mấy năm là trưởng khoa, trưởng phòng, năm 2007, bác sĩ Chương được đề bạt làm phó giám đốc. Đầu năm 2009, anh chính thức được đề bạt làm Giám đốc Bệnh viện đa khoa Vân Đình trực thuộc Sở Y tế Hà Nội. Thấu hiểu tường tận bề dày truyền thống của một bệnh viện tiêu biểu, bác sĩ Nguyễn Văn Chương trong cương vị của mình luôn khắc ghi những lời Bác Hồ căn dặn xưa kia "thầy thuốc như mẹ hiền" để chèo lái con thuyền Nhà thương Vân Đình đi lên trong giai đoạn mới.
Trước hết là vấn đề nâng cấp bệnh viện theo tiêu chuẩn một bệnh viện khu vực, trọng tâm là nâng cấp các trang thiết bị khám chữa.
Theo tinh thần này, lại được sự giúp đỡ của các cấp, các ngành, bệnh viện đã được đầu tư nâng cấp tới 160 tỷ đồng, trong đó có 20 tỷ trang thiết bị khám chữa bệnh để có thể phục vụ cho 230 giường bệnh đến năm 2010. Hiện tại, 100% giường nằm cho bệnh nhân đã là giường inox, giường chuyên dụng. Ghế ngồi cho bệnh nhân và người nhà đã không còn phải là loại ghế gỗ dài như xưa. Là người đứng đầu, bác sĩ Nguyễn Văn Chương cho biết:
Chúng tôi lập một hội đồng khoa học để bàn việc mua sắm thiết bị sao cho thiết thực và hiệu quả nhất. Không mua thiếu cũng chưa mua những gì chưa phù hợp. Với những trường hợp các thầy thuốc giỏi, có kinh nghiệm, có thể chẩn đoán trúng, đúng tình trạng bệnh thì khuyến khích khả năng. Nhờ sự trợ giúp đắc lực của trang thiết bị nên nhiều trường hợp bệnh nặng không phải chuyển lên tuyến trên nên đỡ tốn kém cho người bệnh. Bệnh viện đã triển khai thêm các kỹ thuật mới như: nội soi dạ dày tá tràng, cổ tử cung, siêu âm màu 3D... trong điều trị. Với các trang thiết bị, chúng tôi chỉ đạo phải làm tốt công tác bảo dưỡng máy móc định kỳ, không để xảy ra hỏng hóc. Máy mà hỏng, người bệnh cần không đáp ứng được sẽ là một thiếu sót lớn với bệnh nhân. Đạo đức nghề nghiệp ở nhà thương đây lại càng đặt ra cao hơn. Tôi thường căn dặn các đồng nghiệp: "Nghề thầy thuốc của chúng ta là nghề cứu nhân độ thế. Không được đặt điều kiện, vòi vĩnh với bất cứ bệnh nhân nào. Chúng ta làm tốt thì có tiếng thơm. Nếu chúng ta có ý vòi vĩnh, nếu không may có sự cố, sẽ là bằng cứ để bệnh nhân nói xấu, phê bình. Như thế là không được với một bệnh viện có truyền thống như bệnh viện ta".
Lời dặn của bác sĩ giám đốc đã thấm vào cán bộ nhân viên ở đây. Làm việc ở đây vừa xa đô hội, bệnh nhân nhà quê đều nghèo, nhưng những đồng nghiệp của anh Chương vẫn làm quên cả giờ giấc. (Xin nói thêm, ở các bệnh viện tư, nếu một bệnh nhỏ đáng ra chỉ cần mất vài trăm nghìn tiền chi phí thì các thầy thuốc ở đó có thể khám, chẩn đoán bằng rất nhiều loại máy, loại bệnh... đến khi thanh toán phải mất đến vài triệu đồng). Ở nơi đô hội, thậm chí đi vệ sinh cũng phải bỏ tiền, ở đây, tiền công bác sĩ khám bệnh chỉ 2.500 đồng/lần, còn bị chê là không bằng tiền công 5.000đồng/lần của một anh đánh giày. Nhưng đó là một thực tế phải chấp nhận. Anh đánh giày hay người thầy thuốc đều là người lao động chân chính cả.
Chính vì thế mà chúng tôi phải cố gắng để cải thiện điều kiện sinh hoạt cho các cán bộ nhân viên. Bác sĩ trưởng khoa bây giờ đã được trang bị tủ đứng, có máy vi tính để làm việc. Bác sĩ thường có nửa tủ đứng, có khóa tủ riêng để đựng các tài liệu và tư trang. Điều dưỡng viên cũng có ngăn nhỏ, có khóa riêng. Ngoài lúc thăm khám bệnh nhân, mọi người đều có "căn hộ riêng" để nghiên cứu, đọc thêm, yên tâm với tư trang của mình, nhất là vào những lúc trực đêm có thể giở tài liệu, sách vở chuyên môn ra xem. Việc mua sắm thiết bị có hiệu quả cũng tiết kiệm được tiền, tránh lãng phí cho kinh phí. Chúng tôi tổ chức khoán chi phí, vật tư tiêu hao đến từng khoa phòng nhằm sử dụng tiết kiệm và hiệu qủa. Áp dụng phần mềm trong hệ thống kế toán để việc thanh toán được nhanh chóng và chính xác. Đặc biệt là "ngăn chặn lỗ thủng" theo cách gọi của anh chị em ở đây, với việc để thất thoát ra ngoài những món kinh phí vô bổ, cũng là một giải pháp tiết kiệm kinh phí... Vậy nên, nhờ những tiết kiệm kiểu này, chúng tôi đã có điều kiện nâng một bước đời sống vật chất cho cán bộ nhân viên. Mọi người ở đây đã có thu nhập cao hơn trước, được công khai dân chủ và công bằng với mọi người theo bảng xếp hạng lao động nên anh chị em rất phấn khởi. Họ làm việc say mê, quên giờ giấc, làm cả tối, thậm chí cả chủ nhật, ngày lễ nếu cần. Các thầy thuốc ở đây đã từng mổ nhiều ca HIV/AIDS, nhưng do có găng tay nên chưa có trường hợp nào bác sĩ bị lây nhiễm.
Tuy đã là Giám đốc, Bí thư Đảng ủy bệnh viện nhưng bác sĩ Nguyễn Văn Chương vẫn là một tay mổ có nghề, vẫn hành nghề. Trường hợp bà Đinh Thị Nghị ở xã Trầm Lộng mắc căn bệnh khá lạ kỳ: ở buồng trứng của bà có khối u nặng đến 2kg, lại kèm tình trạng trụy mạch. Sau khi từ bệnh viện tuyến trên về, bụng vẫn to không thuyên giảm. Giám đốc đã chủ trì khoa Ngoại, khoa Sản, khoa Gây mê họp, bàn bạc và đưa ra nhiều luận chứng với câu hỏi: Trường hợp này có mổ được không? Được sự đồng ý của gia đình bệnh nhân, tập thể những người thầy thuốc ở đây do bác sĩ Chương đứng đầu đã quyết định mổ. Ca mổ đã thành công. Đầu năm 2010 này, bà Đinh Thị Nghị đã ra viện. Bác sĩ Trần Đăng Tuấn và Nguyễn Đăng Thanh ở khoa Ngoại mổ từ 2 giờ chiều đến 10 rưỡi đêm mới xong, chỉ giải lao, bồi dưỡng bằng mấy bắp ngô luộc...
Anh Chương ngồi trầm ngâm trước tôi một lúc rồi bỗng bật lên:
Tôi có ý nghĩ này cách đây đã gần 20 năm, hồi đang là nhân viên, nhưng chưa thực hiện được. Nghĩ được nhưng quả là "lực bất tòng tâm". Bây giờ đang có cơ hội. Đó là việc khám chữa theo yêu cầu cho bệnh nhân nói cách khác là khám chữa theo hình thức xã hội hóa. Sở Y tế Hà Nội đang cho thẩm định về cơ sở vật chất ở đây trước khi đồng ý. Với phương án này, chúng tôi phải lựa chọn bác sĩ, chọn điều dưỡng, chuẩn bị tốt hơn những điều kiện phục vụ... Bệnh nhân yêu cầu thế nào, bệnh viện phải đáp ứng được ngay. Nếu tiêm đau, phục vụ không chu đáo, bệnh nhân có quyền báo cáo với Ban giám đốc bệnh viện ngay. Ví dụ nếu trước đây, bệnh nhân có thể mua cân xoài bồi dưỡng riêng một thầy thuốc nào thì bây giờ không còn lệ đó, cân xoài đó phải biến thành tiền cho vào công quỹ bồi dưỡng chung cho mọi người. Từ tháng 12/2009, bệnh viện đã triển khai Đề án 1816 của Bộ Y tế. Được sự hỗ trợ của Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện đa khoa Vân Đình chúng tôi đã triển khai nhiều kỹ thuật mới ở những thiết bị như: máy thở, máy truyền dịch, sử dụng bơm tiêm điện, kỹ thuật chụp thận thuốc, kỹ thuật pha hồng cầu mẫu, xét nghiệm các loại dịch... Đó là những tiền đề tốt cho việc phục vụ người bệnh. Anh đang nói tới đề tài "sự hy sinh thầm lặng"? bác sĩ giám đốc ngừng một lát Chúng tôi là một bệnh viện tuyến xa của Hà Nội, nhưng đang thiếu bác sĩ nghiêm trọng. Ví dụ: khoa Nội có 3 bác sĩ thì đảm nhiệm điều trị thường xuyên cho 60 70 bệnh nhân/ngày. Như vậy có quá tải không? Hiện nay, tại 17 khoa phòng mới chỉ có 33 bác sĩ, còn thiếu đến 15 người nữa. Bác sĩ được đào tạo ra không muốn đi xa, không muốn vất vả, chỉ muốn làm ở các cơ sở tư nhân có lương cao hơn cơ... Các bác sĩ trẻ ở đây như Nguyễn Như Nhị, Nghiêm Xuân Khương, Nguyễn Mai Anh... đã làm việc 6 7 năm nay, nhưng chưa có căn hộ riêng, đang phải thuê nhà để ở xung quanh khu vực thị trấn này. Còn điều dưỡng viên chưa có nhà thì nhiều lắm. Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Hà trước làm ở Hà Đông, lấy chồng ở quê nhà đây, nay cũng theo chồng về quê làm việc. Nhiều anh chị em quê ở xa tận Nghệ An, Hà Tĩnh, miền Nam về đây công tác đều tự nguyện làm dâu, rể ở đây để cống hiến lâu dài... Chúng tôi đang cố tạo mọi điều kiện để "giữ chân" họ gắn bó với đất này nhằm phục vụ tốt hơn nữa việc khám chữa cho người bệnh. Chúng tôi còn rất nhiều việc phải làm...
(theo SK&ĐS)