Bệnh truyền nhiễm là một bệnh nhiễm trùng có khả năng trực tiếp hay gián tiếp lây nhiễm cho người khác.
Trong điều kiện tự nhiên, mầm bệnh vẫn duy trì được những đặc tính cơ bản của chúng để gây bệnh cho người, cho vật hoặc cả hai hoặc biến đổi để gia tăng vật bị bệnh.
1. Tổng quan
Bệnh truyền nhiễm là một bệnh nhiễm trùng có khả năng trực tiếp hay gián tiếp lây nhiễm cho người khác.
Trong điều kiện tự nhiên, mầm bệnh vẫn duy trì được những đặc tính cơ bản của chúng để gây bệnh cho người, cho vật hoặc cả hai hoặc biến đổi để gia tăng vật bị bệnh. Ví dụ, mới đây người ta cho rằng H5N1 virus gây bệnh cúm cho gia cầm có thể gây bệnh cho người và người ta đang đặt câu hỏi là virus này có thể lây lan trực tiếp từ người sang người hay không?
Sự đột biến (sự biến đổi về cấu trúc gen) để thích ứng với môi trường sống của mầm bệnh đã tạo ra ngày càng nhiều những căn bệnh quái ác. Hiện tượng sử dụng thuốc, đặc biệt là kháng sinh, một cách bừa bãi là yếu tố cơ bản nhất gây ra hiện tượng lớn thuốc do mầm bệnh đột biến.
2. Tìm hiểu về dịch bệnh
Nếu ở một địa phương nào đó, tình hình lây nhiễm bệnh quá ồ ạt và số người mắc bệnh quá nhiều, người ta gọi là dịch bệnh. Trong cuộc sống của nhân loại, đã có biết bao nhiêu dịch bệnh đã giết chết hàng ngàn, hàng triệu sinh mạng khi chưa có hoặc không đủ thuốc để điều trị. Ví dụ, trước đây như dịch hạch, thương hàn, sốt rét, lao, ... hiện tại đang là vấn đề thời sự là HIV/AIDS, cúm gia cầm H5N1 & các bệnh lí lây lan quan đường tình dục, đường máu khác.
Có những dạng dịch bệnh phát triển theo chu kì, ví dụ như cúm thường rầm rộ vào những tháng mùa Đông đến hết mùa Xuân năm sau. Trong những tháng còn lại, mầm bệnh vẫn tồn tại trong môi trường tự nhiên dưới dạng tiềm ẩn không gây bệnh. Một lí do để bệnh bùng phát là hội đủ các điều kiện để mầm bệnh gây bệnh. Hình bên dưới mô tả tính chất có chu kì của cúm.
3. Tìm hiểu về chu kì bình thường của một bệnh nhiễm khuẩn
Một bệnh lây nhiễm khi xâm nhập vào cơ thể thường tiến triển qua 5 giai đoạn, bao gồm:
Giai đoạn ủ bệnh: là giai đoạn tính từ lúc mầm bệnh xâm nhập vào cơ thể cho đến khi xuất hiện các triệu chứng bệnh gây phiền toái. Thời kì này dài hay ngắn tùy thuộc vào nhiều yếu tố: khả năng sinh sản, phát triển và tiết ra độc tố làm hại cơ thể sức đề kháng của cơ thể mạnh hay yếu, nhanh hay chậm, loại mầm bệnh nguy hiểm hay không nguy hiểm và ngỏ xâm nhập vào cơ thể ở cơ quan kém quan trọng hay não bộ và những cơ quan nội tạng khác.
Trong giai đoạn này, bệnh đã có khả năng lây nhiễm. Do vậy, để tránh lây lan cho cộng đồng, người bệnh cần thiết phải được hạn chế tiếp xúc và nghỉ ngơi, chăm sóc y tế đầy đủ.
Thời kì khởi phát: thể hiện bằng các triệu chứng nhiễm trùng, nhiễm độc toàn thân như sốt, nhức mỏi, đau đầu, biếng ăn, đắng miệng, buồn nôn, mất ngủ, ... Không may là các triệu chứng này giống như các bệnh lí thông thường khác nên vẫn khó mà phân biệt được có bị nhiễm trùng hay không để được điều trị sớm.
Thời kì toàn phát: với tất cả các triệu chứng đặc hiệu của nhiễm khuẩn, ví dụ như liệt trong sốt bại liệt, viêm não màng não hoặc vàng da trong viêm gan siêu vi hoặc xuất huyết trong sốt xuất huyết, ... Đến lúc này thì BS dễ dàng chẩn đoán xác định hơn & bắt tay ngay vào việc điều trị. Tuy nhiên, công tác phòng bệnh & tuyên truyền ý thức bệnh tật mong muốn người dân có ý thức hơn về bệnh tật khi mà nó đang ở trong giai đoạn khởi phát & chỉ mới bắt dầu chuyển sang giai đoạn toàn phát.
Thời kì lui bệnh: bệnh lui đi từ từ sau một thời gian hoặc sau một cơn toàn phát nghiêm trọng. Vấn đề của bác sĩ là làm sao để đề phòng các tai biến nguy hiểm hơn có thể xảy ra trong cơn toàn phát. Ví dụ, một trẻ bị sốt xuất huyết, nếu không được chăm sóc y tế chu đáo có thể bị xuất huyết nội nghiêm trọng dẫn đến tử vong, nếu được chăm sóc y tế đúng cách bệnh sẽ tự lui dần và trẻ sẽ khỏi bệnh.
Giai đoạn phục hồi cơ thể: được đo lường là hết các triệu chứng lâm sàng, bệnh nhân cảm thấy khỏe khoắn hơn. Cần phân biệt 3 loại hình thức lui bệnh: thứ nhất là hình thức hết bệnh hoàn toàn, bệnh hết là do mầm bệnh đã bị tiêu diệt sạch sẽ; hai là hết các biểu hiện bệnh lí và đã sạch vi trùng nhưng các cơ quan vẫn còn tổn thương chưa hồi phục hoặc bị sẹo vĩnh viễn (xơ gan sau viêm gan siêu vi); ba là các biểu hiện bệnh đã mất nhưng vẫn còn khả năng xuất tiết ra vi trùng để lây nhiễm cho người khác hoặc tái bùng phát trong tương lai khi có điều kiện thuận lợi (giang mai, HIV, ...).
Thường thì khi hết các triệu chứng lâm sàng nguy hiểm đe dọa trực tiếp đến tánh mạng hoặc các biến chứng đã được kiểm soát, các bác sĩ sẽ cho bạn xuất viện. Tuy nhiên, trước khi rời khỏi bệnh viện, bạn nên chủ động hỏi thăm bác sĩ về bệnh trạng của mình, những kiêng cữ cần thiết trong thời gian tới đồng thời phải biết được những loại thuốc gì cần thiết phải uống sau đó (nếu có) để tránh tái nhiễm sau đó.
4. Bệnh truyền nhiễm một căn bệnh xã hội
Mỗi con người là một tế bào của gia đình và xã hội, không thể tách hoạt động thường nhật của người bệnh với người khác một cách hoàn toàn đặc biệt là đối với những người bệnh đang trong giai đoạn ủ bệnh hoặc sau giai đoạn hồi phục nhưng vẫn còn khả năng lây nhiễm bệnh tật. Đó là lí do tại sao bệnh lây lan một cách nhanh chóng & trở thành những đại dịch gây mắc bệnh & tử vong cao.
5. Các bệnh lí xã hội chính rất được bộ Y tế của tất cả các nước quan tâm và phòng tránh như:
HIV/AIDS và các bệnh lây lan qua đường tình dục khác.
Lao phổi, cúm.
Các bệnh lây nhiễm do muỗi như sốt rét, sốt xuất huyết.
Các bệnh lây nhiễm do vệ sinh an toàn thực phẩm như ngộ độc thức ăn, nhiễm giun sán, lị, amíp, ...
Các bệnh do an toàn vệ sinh môi trường, nhiễm khuẩn do thức uống, nước sinh hoạt & không khí ô nhiễm.
Các bệnh lí do tiếp xúc như bệnh ngoài da, phong & các tai nạn trong nhân viên y tế, ...
Điều đáng mừng là tất cả các bệnh này đều có thể phòng tránh được. Thời gian đã chứng minh là các bệnh như lao, dịch hạch, sốt thương hàn, ... đã được khống chế gần như triệt để ở các nước tiên tiến. Điều đáng lo ngại là ý thức bệnh tật của mọi người còn thấp, công tác tuyên truyền còn yếu kém nên tỉ lệ bệnh nhiễm khuẩn & biến chứng nguy hiểm của nó còn rất cao.
6. Các biến chứng nguy hiểm của bệnh truyền nhiễm
Hầu hết tất cả các bệnh lí truyền nhiễm đều gây ra tác hại từ nhẹ cho đến nghiêm trọng là tử vong hoặc trung gian là gây ra những tổn thương không hồi phục. Các biến chứng của bệnh nhiễm khuẩn rất đa dạng, bao gồm:
Các biến chứng trực tiếp do mầm bệnh gây ra như bại não hoặc tử vong trong viêm não, màng não; thủng ruột trong bệnh thương hàn; viêm cơ tim & các van tim trong bệnh thấp, ...
Các biến chứng do bội nhiễm các mầm bệnh khác do cơ thể bị suy yếu. Ví dụ như các nhiễm trùng cơ hội ở bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch mắc phải AIDS sau khi nhiễm HIV.
Các biến chứng lâu dài sau khi bị nhiễm mầm bệnh. Ví dụ như xơ gan, ung thư gan sau khi bị viêm gan siêu vi B mạn tính.
Do tai biến y khoa như tình trạng lạm dụng kháng sinh, các chế phẩm điều trị (máu, huyết thanh, ...), dụng cụ y khoa không được tiệt trùng kĩ.
Nhiễm trùng huyết do nhiều nguyên nhân mà chủ yếu nhất là điều trị không kịp thời & không đúng cách.
Sưu tầm