Mặc dù có những biện pháp điều trị tích cực cho bệnh nhân suy thận, đặc biệt là biện pháp lọc máu song đây là quá trình điều trị tốn kém, chi phí lớn và không được đáp ứng tốt đối với nhiều bệnh nhân nghèo.
|
Bệnh nhân suy thận phải chạy thận nhân tạo. |
Một trong những nguyên nhân dẫn đến suy thận chính là căn bệnh dễ mắc phải: bệnh sỏi thận.
Các loại sỏi thận hay gặp
Sỏi san hô ở thận thường liên quan đến nhiễm khuẩn, là loại sỏi thường được hình thành sau khi bị viêm đường tiết niệu. Loại này khá phổ biến ở phụ nữ, do phụ nữ cũng dễ bị viêm đường tiết niệu hơn nam giới. Viêm đường tiết niệu mạn tính tạo ra enzym làm tăng lượng amoniac trong nước tiểu. Lượng amoniac dư thừa này làm vi khuẩn có thể phát sinh nhanh hơn tạo điều kiện cho sỏi khuẩn hình thành. Sỏi khuẩn thường có nhiều cạnh nhọn, hoặc phân nhánh thành sừng và kích thước có thể phát triển lớn làm tổn thương đến thận.
Sỏi canxi là loại sỏi phổ biến nhất. Khoảng 8090% sỏi thận là canxi với một vài khoáng chất khác (thường là oxalat và phosphat). Lượng canxi dư thừa trong cơ thể không sử dụng hết được loại bỏ qua thận, lượng dư thừa này thường chảy vào nước tiểu. Nếu canxi không được đưa ra ngoài, hoặc đơn giản là quá nhiều để có thể hòa tan trong nước tiểu, nó sẽ rắn lại và kết hợp với các khoáng chất khác tạo thành sỏi. Sỏi canxi thường xuất hiện ở những người có lượng vitamin D cao hoặc bị cường tuyến giáp (hạch tuyến giáp quá nhạy cảm). Những người bị suy thận thường có khả năng bị sỏi canxi.
Sỏi acid uric hình thành do quá nhiều uric acid trong nước tiểu. Khi lượng acid tăng cao, khoáng chất hình thành và kết hợp với canxi cộng oxalat tạo nên sỏi. Loại sỏi này thường có ở nam giới. Một chế độ ăn giàu chất đạm động vật có thể góp phần tăng cao lượng acid uric trong cơ thể. Những người bị bệnh gút có nguy cơ bị sỏi acid uric cao.
Sỏi cystin hiếm gặp hơn vì sỏi này thường bị do di truyền. Cystin là một loại amino acid. Những người bị bệnh này thường được phát hiện ngay từ khi còn trẻ và sẽ được tiếp tục theo dõi chữa trị.
Sỏi thận gây suy thận như thế nào?
Sỏi thận là một dạng của sỏi niệu. Sự di chuyển của sỏi, nhất là những sỏi có gai nhọn sẽ cọ xát, va chạm vào đường niệu gây ra những cơn đau lưng, đái ra máu nếu sỏi ở thận, niệu quản. Còn sỏi tại bàng quang, niệu đạo sẽ gây đái buốt, đái rắt, đái khó. Nếu bị kẹt trong cuống đài thận, sỏi sẽ chèn ép làm bế tắc cuống đài thận nên đài thận giãn nở, lâu dần thận sẽ giãn mỏng như một túi nước. Khi các đài thận bị căng trướng nước tiểu, sẽ tạo ra áp lực cao tác động vào thần kinh thận và vỏ thận gây ra cơn đau quặn thận.
Khi sỏi cọ xát vào đường niệu thì nguy cơ niêm mạc bị phù nề, viêm, là điều kiện tốt cho vi khuẩn xâm nhập, gây viêm nhiễm đường tiểu. Người bệnh sẽ thấy đau lưng, đái buốt, đái rắt, đái đục. Nếu nhiễm khuẩn nặng sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng như suy thận. Nếu thận mủ toàn diện có thể phải cắt bỏ thận. Bế tắc đường tiểu làm tồn đọng nước tiểu gây viêm nhiễm lâu ngày sẽ dẫn đến xơ hóa thành đường tiểu kể cả đài thận. Hậu quả của xơ hóa sẽ dẫn đến giảm chức năng co bóp đường tiểu, chít hẹp làm bế tắc đường tiểu, tồn đọng nước tiểu. Viêm nhiễm nặng ở đường tiểu còn làm hoại tử đường tiểu, xuất hiện các lỗ rò ở bàng quang, niệu quản. Đã có những trường hợp vỡ thận và vỡ bàng quang do sỏi. Sự hiện diện lâu ngày của sỏi hai bên niệu quản hay sỏi thận một bên còn bên kia sỏi niệu còn dẫn đến hiện tượng vô niệu (không có nước tiểu). Chức năng thận sẽ bị giảm nếu sự hiện diện của sỏi ở hai bên thận, nhất là khi có sự kết hợp của viêm nhiễm gây ra suy thận.
Điều trị sớm để tránh biến chứng suy thận
Sỏi thận với kích thước nhỏ hơn 2cm thường được điều trị bằng phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể, tuy nhiên nếu sỏi nằm ở phía đài dưới của thận thì cho kết quả kém hơn. Trong trường hợp sỏi nằm ở vị trí này thì giới hạn chỉ định tán sỏi khi nhỏ hơn 1cm. Phương pháp mổ lấy sỏi qua da vẫn là một cách điều trị tương đối an toàn và hiệu quả nên được chỉ định cho các trường hợp sỏi thận có kích thước lớn không có khả năng tán hoặc lấy sỏi qua nội soi. Ngày nay với phát triển của nội soi niệu quản thì ngoài phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể cũng có thể lấy sỏi qua nội soi. Chỉ định lấy sỏi qua nội soi phải dựa vào từng trường hợp cụ thể, thể trạng bệnh nhân, chức năng thận khi phát hiện sỏi cũng như kinh nghiệm của thầy thuốc và phương tiện của cơ sở điều trị. Khoảng 50% bệnh nhân mang sỏi nhỏ không có triệu chứng sẽ trở nên có triệu chứng trong vòng 5 năm.
Phòng bệnh: Có tới hơn 50% số người bị sỏi thận sẽ bị mắc bệnh lại, do vậy thay đổi lối sống là một biện pháp quan trọng phòng ngừa bệnh tái phát và đảm bảo hiệu quả điều trị tốt hơn. Thay đổi khẩu phần ăn và thói quen rèn luyện cơ thể là một yếu tố quan trọng. Những người từng bị sỏi thận nên uống khoảng 2 đến 3 lít nước mỗi ngày (nếu không bị bệnh gì cần phải hạn chế uống nước). Ngoài ra, nếu bạn đã bị sỏi canxi, có thể sẽ cần giảm lượng thức ăn chứa nhiều oxalat, canxi như các loại quả hạnh nhân, socola, rau chân vịt, các loại quả mọng như dâu tây. Ăn kiêng với chế độ ăn ít chất đạm cũng làm giảm nguy cơ hình thành sỏi thận. Sau khi điều trị, bệnh nhân vẫn có thể được chỉ định dùng một số loại thuốc giúp kiểm soát lượng khoáng chất phát triển trong nước tiểu. Một số người bị bệnh do tuyến giáp nhạy cảm quá mức và tiết ra nhiều hormon, cường tuyến giáp cũng là một nguyên nhân dẫn đến sỏi thận, vì thế khi mắc bệnh cần phải xem xét cả yếu tố tuyến giáp để điều trị hiệu quả.
Theo SKĐS