Việc sử dụng lâu dài một loại thuốc trị bệnh tim có thể làm giảm đáng kể tình trạng suy giảm khả năng ghi nhớ và nhận thức ở những bệnh nhân (BN) mất trí nhớ, tuyên bố của các nhà khoa học Nhật Bản.
Trong khi nhiều nhà khoa học tin rằng việc tích tụ dần dần các mảng proteine amyloid là nguyên nhân chủ yếu gây nên bệnh Alzheimer, nhiều người vẫn cho rằng sự gián đoạn lượng máu cung cấp lên não cũng có thể là thủ phạm. Một nhóm chuyên gia Nhật Bản đã tiến hành nghiên cứu về vấn đề này dựa trên giả thiết thứ hai. Họ sử dụng loại thuốc trị tim có tác dụng chống lại hiện tượng gián đoạn cung cấp máu lên não.
Trong công trình của mình, tiến sĩ Takashi Ohrui và cộng sự tại Đại học Tohoku đã theo dõi những thay đổi trong khả năng ghi nhớ và tư duy ở 162 người già trong thời gian 1 năm. Những người này được chẩn đoán cao huyết áp và mất trí nhớ nhẹ hoặc vừa.
BN được chia làm 3 nhóm. Một nhóm dùng thuốc perindopril hoặc captoprilmột chuyên dùng để điều trị bệnh tim có khả năng vượt qua các "rào cản" trong máu cung cấp lên não để thâm nhập vào não. Nhóm thứ hai điều trị bằng một loại chất ức chế không có khả năng thâm nhập vào não. Nhóm thứ ba điều trị bằng một loại thuốc trị huyết áp có tác dụng chặn các kênh cung cấp can xi.
Khi bắt đầu nghiên cứu, các nhà khoa học cho các BN làm các bài kiểm tra nhận thức tiêu chuẩn để đánh giá khả năng ghi nhớ và nhận thức. Tất cả BN đều đạt 20 điểm.
Một năm sau, khi làm lại bài kiểm tra, điểm số của nhóm BN dùng thuốc chặn kênh cung cấp can xi đã giảm trung bình 4,9 điểm, của nhóm dùng chất ức chế ACE không thâm nhập được vào não giảm trung bình 4,6 điểm. Trong khi đó, kết quả của nhóm dùng chất ức chế thâm nhập được vào não chỉ giảm trung bình 0,6 điểm.
Theo các chuyên gia thì kết quả nghiên cứu là rất ấn tượng, vì các loại thuốc trị huyết áp này đều đã được công nhận và rất an toàn. Tuy nhiên, công trình này mới chỉ tập trung vào một bộ phận đối tượng nhỏ với số lượng không lớn. Theo họ, các công trình tiếp theo với quy mô lớn hơn và đối tượng đa dạng hơn là cần thiết để kiểm chứng kết quả này.
(theo: Healthday)