Sunday, September 7, 2014

Một, hai , ba, bốn, còn những năm người nữa mới tới lượt mình. Chị lau giọt mồ hôi, nhìn đồng hồ, chị lẩm bẩm mình đã xếp hàng cả tiếng đồng hồ rồi mà vẫn chưa tới lượt mua bánh. Khỏe mạnh như chị mà đã thấy mắt hoa, chân tê đi vì đứng lâu, ấy vậy mà trước đây năm nào mẹ chồng chị cũng xếp hàng như thế này. Nghĩ đến mẹ chồng, lòng chị chợt trùng xuống, có lẽ chị sẽ không bao giờ quên được những hành động của mình ngày ấy với mẹ chồng. Có giọt nước lăn dài trên má chị, chẳng biết nước mắt hay mồ hôi chảy xuống môi chị mặn chát. Chị đang làm cái hành động mà trước đây mình coi thường, thậm chí còn hằn học, đó là xếp hàng mua bánh Trung thu.

Ngày chị lấy anh, nhà anh chỉ có hai mẹ con nên tất nhiên chị phải sống cùng mẹ chồng. Thời còn con gái, chị được bạn bè rỉ tai chuyện mẹ chồng nàng dâu khác máu tanh lòng, chuyện bà mẹ chồng này lắm điều bắt nạt con dâu mới hay bà mẹ chồng khác đánh đập chửi bới con dâu…. Những câu chuyện ấy nghiễm nhiên đi sâu vào đầu chị, tạo cho chị một ác cảm với các bà mẹ chồng. Và tất nhiên khi về làm dâu nhà anh, chị luôn tạo cho mình tư thế sẵn sàng "chiến đấu" với mẹ chồng. Nhưng thật may cho chị, mẹ anh là người rất chịu thương chịu khó và biết điều.

Bà cũng từng chịu cảnh làm dâu thời trẻ thế nên rất thông cảm cho con dâu. Nhà lại neo người nên bà cũng coi chị chẳng khác gì con gái. Anh vui mừng nhận ra mẹ mình thật tâm lý chiều chuộng con dâu, chỉ có chị là không nhận ra điều đó, trong đầu chị luôn có suy nghĩ "cẩn thận bà ấy đánh lừa mày đó, sẽ có ngày bà ấy đâm mày sau lưng, có mẹ chồng nào mà thương con dâu chứ…".

Những suy nghĩ bồng bột đó làm chị luôn đề phòng với mẹ chồng. Mẹ chồng càng tỏ ra yêu thương thân thiện với chị, chị lại càng cố gắng tạo ra khoảng cách và trở nên ích kỷ. Có lẽ sự lạnh lùng của chị quá rõ ràng nên mẹ chồng chị cũng nhận ra, mặc dù vẫn rất yêu quý con dâu nhưng bà cũng biết giữ khoảng cách với chị. Bà nghĩ có lẽ chị mới về nhà chồng còn nhiều bỡ ngỡ, chị cần có thời gian để quen với việc sống ở một gia đình xa lạ.

Chị thì không trải qua những kỉ niệm đó, nên chị cũng chẳng thích thú gì cái thói quen của mẹ chồng. (ảnh minh họa)

Ngày ấy, cứ mỗi năm đến mùa Trung thu bà lại xếp hàng mua bánh cổ truyền. Ngày trước bố chồng chị còn sống rất thích ăn bánh Trung thu do tay mẹ chồng chị làm. Khi đó nghèo đói, làm gì có điều kiện như bây giờ, mẹ chồng chị kể phải gom góp lâu lắm mới có tiền mua đồ làm bánh. Cũng chẳng phải cao lương mỹ vị như bây giờ đâu, chỉ là những chiếc bánh nhỏ xíu, mẹ chồng chị đều để dành cho chồng và con trai. Sau này bố chồng chị mất, mẹ chồng chị cũng già yếu nên chẳng thể tự làm được nữa. Vậy là bà đi mua bánh cổ truyền về vừa thắp hương cho chồng, vừa để hai mẹ con phá cỗ Trung thu. Từ ngày có chị về làm dâu, bà vẫn giữ thói quen cũ.

Chị thì không trải qua những kỉ niệm đó, nên chị cũng chẳng thích thú gì cái thói quen của mẹ chồng. Bánh công ty chị tặng, rồi công ty anh tặng mỗi dịp Trung thu toàn bánh ngon đắt tiền mà ăn còn chẳng hết, huống chi mấy cái bánh cổ truyền rẻ tiền kia. Chắc gì người ta làm đã sạch sẽ, hay ăn vào lại mang bệnh thì chả bõ. Với suy nghĩ đó nên chẳng bao giờ chị đụng vào một miếng bánh mẹ chồng mua, mẹ chồng biết chị chê bánh rẻ nên cũng chỉ buồn rầu mà không nói gì.

Rồi chị có con, mẹ chồng ở nhà chăm con cho anh chị đi làm. Từ ngày có con, chị càng khó tính hơn trong chuyện ăn uống của gia đình. Mẹ chồng chị cũng là người thành phố, mà sao chị thấy bà giống người nhà quê thế. Cứ quê mùa, già nua và bẩn bẩn sao ý. Chị vốn là mẫu phụ nữ hiện đại, thế nên nhìn cách mẹ chồng chăm con kiểu quê mùa chị rất không bằng lòng. Đã có nhiều lần chị khó chịu, đá thúng đụng nia với mẹ chồng. Chị không muốn con mình sau này có tư tưởng giống bà nội và bố nó. Chồng chị đi làm từ sáng đến tối, về nhà cơm canh sẵn sàng, cho dù con dâu ở nhà có thế nào nhưng mẹ anh cũng chưa từng một lời than vãn thế nên anh chẳng biết những chuyện ở nhà. Anh chỉ lờ mờ biết vợ mình khá giữ khoảng cách với mẹ, anh cũng đôi lần khuyên nhủ vợ nên cởi mở hơn với mẹ, có như thế cuộc sống mới vui vẻ trọn vẹn. Chị cũng chỉ ậm ừ cho qua chuyện.

Trung thu năm đó, mẹ chồng chị cũng mua bánh cổ truyền như mọi năm. Năm nay công ty chị chơi sang, tặng mỗi nhân viên một hộp bánh hơn 2 triệu, chị nghĩ chắc sẽ rất ngon. Năm nay con trai cũng có thể ăn bánh được rồi, chị sẽ cho bé nếm vị bánh ngon nhất trong lần đầu tiên này. Suy nghĩ ấy làm chị rất vui, chị hớn hở mang hộp bánh về nhà. Vừa vào nhà, đã thấy con trai ngồi dưới sàn nhà, cầm miếng bánh cổ truyền trong đĩa bốc ăn. Bánh vung vãi ra cả sàn, mồm miệng bé dính đầy bánh, trông bẩn kinh khủng. Đang vui chứng kiến cảnh như vậy càng làm chị nổi nóng. Chị đùng đùng chạy lại giật miếng bánh trên tay con trai rồi vứt luôn vào thùng rác bên cạnh. Chưa đủ, chị còn phát một cái rõ đau vào bàn tay con mà mắng: "Ai cho con ăn mấy thứ này, mẹ cấm con ăn linh tinh rồi cơ mà. Tay chân bẩn thỉu lem luốc, ăn bốc cả dưới sàn nhà nữa, lần sau có chừa không".

Rồi mẹ chồng chị cũng đi, chồng nói mẹ đi đến với bố, vì bố là người yêu thương mẹ nhất. Nghe anh nói vậy chị càng tự trách mình. (ảnh minh họa)

Con trai đang ăn bánh ngon lành, tự nhiên bị mẹ cướp vứt đi rồi đánh đau, bé òa khóc chìa tay đòi lại: "Bánh, hu hu hu, bánh của Bin…". Mẹ chồng chị đang ở trong bếp, nghe tiếng cháu khóc thì chạy ra, thấy miếng bánh vứt trong sọt rác, cháu thì khóc lóc làm bà càng đau lòng. Bà nhẹ nhàng ôm lấy cháu vỗ về nó: "Bin ngoan nào, lát nữa bà cho Bin đồ chơi nhé, Bin nín đi nào". Con trai nhìn thấy mẹ vẫn còn rấm rức: "Bin muốn bánh cơ, hic hic". Nhìn con trai khóc chị cũng đau lòng, chị dịu xuống nói với mẹ chồng: "Từ giờ mẹ đừng cho cu Bin ăn linh tinh như thế nữa, mấy cái thứ bánh ý họ làm mất vệ sinh lắm".

"Ừ, mẹ biết rồi" – Mẹ chồng chị buồn rầu nói.

"Bin, lại đây mẹ tắm cho nào, con bẩn quá. Tối mẹ sẽ cho con ăn bánh ngon nhé" – Chị kéo con trai lại làm lành.

Thằng bé nghe được ăn bánh thì mặt vui vẻ ngay, nó vỗ tay reo: "Hoan hô, Bin được ăn bánh".

Tối đó, khi chị cắt bánh ra mời cả nhà, mẹ chồng chị cũng khen bánh ngon. Chị hân hoan ra mặt: "Đấy, đây mới gọi là bánh chứ mẹ".

Tối đó, mẹ chồng chị cũng đưa quà cho con trai, đó là chiếc đèn lồng 5 cánh. Thằng bé đang ăn bánh, chạy lại cầm chiếc đèn sao bà nội mua, nó hớn hở chạy quanh nhà. Chị chạy lại giằng lấy chiếc đèn sao, quay lại rít lên với mẹ chồng: "Mấy thứ đồ chơi này mẹ mua làm gì, toàn giấy màu độc lắm, mẹ định hại con con à?". Rồi chị quay sang mắng thằng bé: "Đi rửa tay ngay, đang ăn bánh mà đụng vào mấy thứ độc hại này à".

Mẹ chồng chị bối rối, bà cũng chỉ muốn cháu biết đến Trung thu cổ truyền như thế nào mà thôi, không ngờ con dâu lại phản ứng gay gắt như vậy. Chồng chị lúc đó ở nhà, anh thấy chị như vậy thì quát vợ im mồm ngay. Chị chưa bao giờ thấy chồng tức giận như vậy, tất cả cũng tại mẹ chồng mà thôi. Chị hằn học quay lại nhìn mẹ chồng hét lên: "Tất cả tại mẹ đấy, mẹ hài lòng chưa?" rồi chạy lên phòng. Tối đó anh vác chăn gối ra phòng khách ngủ, đó là lần đầu tiên anh chị cãi nhau vì mẹ chồng. Những ngày sau đó trong gia đình chị giống như địa ngục, mọi người mặt nặng như chì. Mẹ chồng chị thì im lặng, chẳng nói gì với con dâu và con trai. Bà chỉ ôm cu Bin mà khóc.

Bà cảm thấy có lỗi với con cháu, vì bà mà gia đình mới căng thẳng nháo nhào như vậy. Mọi chuyện kéo dài đến cả tháng, hôm đó cu Bin sốt nên cuối cùng anh chị mới nói chuyện với nhau. Chị thở phào nhẹ nhõm vì cuối cùng sóng gió đã qua. Quả thực cả tháng qua chị thấy khó chịu vô cùng, chị định làm lành với chồng rồi nhưng sợ có lần này thì lần khác cãi nhau chị sẽ phải xuống nước trước. Chị cũng không còn hằn học với mẹ chồng nữa, chị đã nghĩ rất nhiều và hiểu mẹ chồng rất quan trọng với chồng mình.

Chị bắt đầu suy nghĩ học cách để hiểu mẹ chồng hơn, và bắt đầu quan tâm đến mẹ chồng nhiều hơn. Nhưng khi chị hiểu ra điều đó có lẽ đã muộn. Mẹ chồng chị ốm nặng, bà bị liệt nửa người và cuối cùng là mất trí nhớ. Suốt một năm nằm trên giường bệnh, mẹ chồng chị không nhớ chị là ai. Thỉnh thoảng bà lại hỏi chị: "Cô là ai, sao lại ở nhà tôi?". Những lúc ấy chị chỉ biết cúi mặt xấu hổ trả lời: "Con là con dâu của mẹ đấy ạ". Bà nhăn trán rồi lắc đầu: "Tôi làm gì có con dâu, tôi chỉ có con trai với con gái thôi mà. Con gái tôi đâu rồi". Nghe mẹ chồng nói vậy chị bật khóc. Chị nhớ có lần chồng nói mẹ luôn coi chị là con gái chứ không phải con dâu, mẹ rất thương chị. Vậy mà chị cố tình không hiểu lòng mẹ, chị đã làm nhiều điều không phải với bà.

Rồi mẹ chồng chị cũng đi, chồng nói mẹ đi đến với bố, vì bố là người yêu thương mẹ nhất. Nghe anh nói vậy chị càng tự trách mình. Có lẽ anh không nói ra nhưng anh cũng trách chị, vì khi mẹ còn sống chị không đối tốt với mẹ. Nhìn chồng đau khổ chị ân hận quá. Một năm qua chị đã rất ân hận cho những hành động của mình rồi, chị làm gì để chuộc tội với mẹ chồng đây.

Mẹ chồng mất đã được hơn 3 năm. Từ đó đến nay, Trung thu năm nào chị cũng cất công xếp hàng để mua cặp bánh cổ truyền về thắp hương cho mẹ. Có lẽ đây là điều duy nhất chị có thể làm để chứng minh mình sai, để tỏ lòng hối lỗi đến mẹ chồng. Chị mong cặp bánh này có thể phần nào an ủi được sự ân hận, rối bời trong lòng chị mỗi mùa Trung Thu.