Dịch đau mắt đỏ tăng bất thường
Có thuốc đặc trị bệnh đau mắt đỏ không?
Đeo kính, rửa tay sao vẫn bị đau mắt đỏ?
Trong nhà có người đau mắt đỏ, làm gì để không lây?
Nhìn nhau có lây bệnh đau mắt đỏ?
Muốn tránh lây lan, người bệnh phải đeo khẩu trang, đeo kính để bảo vệ mắt; không dùng chung đồ đạc với người khác, tránh sinh hoạt chung trong phòng máy lạnh hay phòng kín gió. Không cần nhỏ thuốc khi chưa mắc bệnh vì thuốc nhỏ mắt không phòng ngừa được bệnh đau mắt đỏ.
Khi nhiễm Adenovirus, bệnh nhân có triệu chứng giống bị nhiễm siêu vi như hơi nóng sốt, hơi mệt mỏi, đau họng nhưng những triệu chứng này rất mơ hồ, thường đau hạch trước tai (đụng vào rất đau). Mắt còn có những triệu chứng đặc trưng như đau, đỏ, cộm, xốn cả 2 bên, chảy nước mắt, sưng phù mi nhưng nhìn không bị mờ, dịch tiết (ghèn) thường trong, nhiều hay ít tùy trường hợp, ghèn làm dính mi khi ngủ dậy. Khi bị bội nhiễm vi trùng, ghèn thường đục, nhiều và màu vàng. Nếu không bị bội nhiễm hay biến chứng, bệnh sẽ tự khỏi sau 7 đến 10 ngày.
Khi phát hiện mắt đỏ hay cảm giác khó chịu ở mắt, người bệnh nên đi khám tại bác sĩ chuyên khoa mắt để được hướng dẫn đúng và kịp thời, đồng thời phát hiện những bệnh nguy hiểm khác có thể nhầm với đau mắt đỏ như glocoma, viêm màng bồ đào, viêm loét giác mạc...
Không dùng cùng một lọ thuốc nhỏ mắt cho nhiều người (Ảnh minh họa)
Bệnh nhân cần đeo khẩu trang, đeo kính, tránh dùng chung đồ dùng với người khác và tránh đến nơi đông người ít nhất 3-5 ngày. Không dùng cùng một lọ thuốc nhỏ mắt cho nhiều người. Nên dùng bông gòn sạch thấm dịch tiết nhẹ nhàng một lần rồi bỏ đi, tránh dụi mắt, tránh chạm vào bên trong mắt, nhất là tròng đen vì có thể gây viêm hay loét giác mạc. Cần rửa tay bằng xà bông nhiều lần trong ngày, trước và sau khi tra thuốc nhỏ mắt.
Việc điều trị không thể diệt được virus gây bệnh mà chỉ điều trị tùy theo triệu chứng: Nếu mắt đỏ ít, không sưng phù nhiều, ghèn trong thì chỉ cần nhỏ nước muối sinh lý. Nếu mắt có ghèn đục, có thể nhỏ kháng sinh.
Chỉ dùng thuốc kháng viêm sau khi đã được bác sĩ mắt khám và kê toa. Tự ý mua thuốc kháng viêm nhỏ mắt có thể dẫn đến biến chứng trên giác mạc, tăng nhãn áp... Có thể dùng kháng sinh toàn thân nếu bác sĩ thấy cần thiết.
Bệnh đau mắt đỏ thường xảy ra theo mùa, nhất là những tháng giao mùa giữa hè và thu hay mùa đông. Việc phòng ngừa rất cần thiết - nhất là ở những người có cơ địa yếu, người lớn tuổi, bị bệnh mạn tính, trẻ em... - bằng cách rửa tay sạch, tránh tiếp xúc với những bệnh nhân đau mắt đỏ. Tránh đến nơi đông người như nhà hàng, khách sạn, quảng trường, bệnh viện... khi mùa dịch đến.